Truy cập nội dung luôn
TỔNG QUAN
TIN TỨC - SỰ KIỆN







 

Thông kê truy cập Thông kê truy cập

Đang online: 671
Lượt truy cập trong tuần: 3684
Lượt truy cập trong tháng: 19945
Lượt truy cập trong năm: 140079
Tổng số truy cập: 1228005

VĂN HÓA XÃ HỘI VĂN HÓA XÃ HỘI

BÀI TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 1083 NĂM NGÔ QUYỀN XƯNG VƯƠNG, ĐỊNH ĐÔ TẠI CỔ LOA (939 – 2022)
Ngày đăng 04/04/2022 | 17:03  | Lượt xem: 348

Sau chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng cuối năm 938, đầu năm 939, Anh hùng dân tộc Ngô Quyền quyết định xưng Vương, lập nên nhà Ngô, chọn Cổ Loa làm Kinh đô, phục hồi quốc thống,tạo nên bước ngoặt vĩ đại của lịch sử đất nước,chấm dứt hoàn toàn thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hơn 1.000 năm, mở ra kỷ nguyên độc lập lâu dài và phát triển huy hoàng của quốc gia Đại Việt.

Anh hùng dân tộcNgô Quyền sinh ra trong một dòng họ hào trưởng có thế lực ở châu Đường Lâm (nay là xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội). Ngô Quyền ngay từ thủa ấu thơ ở quê hương Đường Lâm đã là người tài giỏi, khôi ngô, tuấn tú. Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ chọn ông làm nha tướng, yêu mến gả con gái và giao cho ông cai quản Ái Châu (Thanh Hóa ngày nay).

Trải hơn 1.000 năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, bước sang thế kỷ X, lịch sử Việt Nam có những chuyển biến quan trọng: năm 905, Khúc Thừa Dụ giành quyền tự chủ, tự xưng là Tiết độ sứ, về danh nghĩa vẫn tự coi mình như một đại diện của chính quyền nhà Đường và đến năm 930 họ Khúc để mất quyền tự chủ vào tay Nam Hán. Năm 931, Dương Đình Nghệ kéo quân ra Đại La, đánh đuổi quân Nam Hán khôi phục quyền tự chủ, vẫn tự xưng là Tiết độ sứ. Năm 937, Dương Đình Nghệ bị viên thuộc tướng là Kiều Công Tiễn giết chết để đoạt chức Tiết độ sứ và cho người sang cầu cứu nhà Nam Hán.Năm 938, nhà Nam Hán huy động lực lượng lớn binh thuyền tấn công xâm lược nước ta.Đoán trước được ý đồ “nội công, ngoại kích” của giặc, Ngô Quyền đã tập hợp các tướng lĩnh, hào kiệt, kéo quân từ Ái Châu ra, nhanh chóng diệt trừ tên phản bội Kiều Công Tiễn và bè đảng đang đóng trong thành Đại La, dập tắt mối họa bên trong, làm thất bại ngay từ đầu âm mưu dùng nội ứng của nhà Nam Hán.

Trước thế giặc mạnh, Ngô Quyền một mặt kêu gọi, động viên nhân dân phát huy sức mạnh cố kết cộng đồng và khí thế độc lập của dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp để đối phó với các mũi tiến công của quân xâm lược. Mặt khác, Ông chủ trương lợi dụng địa hình hiểm trở của vùng Đông Bắc bày một thế trận hiểm hóc và tập trung lực lượng mạnh để tiến hành trận chiến lớn, đánh bại quân Nam Hán ngay tại cửa sông Bạch Đằng vào mùa Đông năm 938.

Chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền có ý nghĩa lịch sử to lớn, là mốc son chói lọi chấm dứt hơn 1.000 năm Bắc thuộc; phá tan mưu đồ “đồng hóa” của phong kiến phương Bắc; mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - Kỷ nguyên phát triển của quốc gia độc lập, tự chủ, trên đất nước Việt NamChiến thắng đó đã để lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm quý báu về phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc chống xâm lược, về nghệ thuật đánh bại quân xâm lược ngay từ cửa ngõ đất nước.

Chiến thắng Bạch Đằng lịch sử có ý nghĩa quyết định để mùa Xuân năm 939 Ngô Quyền bãi bỏ chức Tiết độ sứ, xưng vương, lập ra nhà Ngô, đóng đô ở Cổ Loa với ý nghĩa nối tiếp sự nghiệp dựng nước đời Hùng Vương, An Dương Vương, xây dựng nhà nước độc lập trên đất nước ta. Cùng với việc lên ngôi, Ngô vương Quyền đặt ra quan chế, nghi lễ và phẩm phục của triều đình, lập hoàng hậu… mở ra trang sử mới trong tiến trình lịch sử Việt Nam.

Với chiến công oanh liệt năm 938 trên sông Bạch Đằng và việc xưng Vương, lập ra nhà Ngô trị vì đất nước từ năm 939 đến năm 944, Ngô Quyền đã được lịch sử tôn vinh là vị Tổ Trung hưng của dân tộc Việt Nam.

                 - PHÒNG VĂN HÓA VÀ THÔNG TIN HUYỆN ĐÔNG ANH -